12 cách giúp bạn khắc phục lỗi Full Disk trên Windows 8/8.1/10, bạn sẽ có thể hạn chế được phần nào vấn đề Full Disk khi sử dụng máy tính chạy Windows 8/8.1/10 sau khi xem qua bài viết này. Bạn vẫn có thể áp dụng những cách này đối với Windows XP, Windows 7 hay các phiên bản Windows khác nhé. Vì mình thấy đa phần từ Windows 8 trở đi mới hay bị nên không đề cập đến các hệ điều hành cũ hơn.
Đối với những người dùng sử dụng hệ điều hành Windows 8/8.1/10 thì vấn đề Full Disk chắc có lẽ đã quá quen thuộc rồi đúng không? Mặc dù bạn sử dụng ít phần mềm nhưng lâu lâu vẫn bị vấn đề này làm cho máy tính của bạn bị đơ trong một khoảng thời gian.
Có thể do một số dịch vụ, phần mềm hay một số ứng dụng ngầm đang chạy mà bạn không hề hay biết gây nên. Mặc dù không thể nói là khắc phục được 100% vấn đề này, nhưng dưới đây mình sẽ chia sẻ đến các bạn 12 cách giúp bạn hạn chế được vấn đề Full Disk trên hệ điều hành mà bạn đang sử dụng.
Cài đặt phần mềm có chọn lọc
Bạn nên cài đặt phần mềm có chọn lọc, không nên thấy phần mềm nào hay cũng cài vào máy vì như thế sẽ làm cho máy luôn ì ạch và hiện tượng Full Disk sẽ diễn ra thường xuyên hơn, vì số ứng dụng hoạt động tăng và số Service cũng tăng.
Tốt nhất bạn nên Disable hết các ứng dụng khởi động cùng Windows, chỉ để lại những ứng dụng nào thực sự cần thiết thôi. Bạn chuột phải vài thanh taskbar chọn Task Manager rồi di chuyển qua tab Startup, tại đây bạn chọn một ứng dụng bất kỳ rồi nhấn vào Disable.
Tắt Indexing cho phân vùng đang chạy Windows
Đây là một tính năng giúp lập chỉ mục các tập tin và folder để khi cần bạn có thể tìm kiếm chúng nhanh chóng. Tuy nhiên, theo mình thấy thì tính năng này khá thừa thải, hầu như rất ít người dùng sử dụng tính năng này vì họ đã biết quá rõ tập tin hay thư mục đó nằm ở đâu rồi chỉ cần truy cập đến đó thôi đâu cần phải search rồi chờ đợi tốn thời gian đúng không nào?
Để tắt Indexing thì bạn chuột phải vào phân vùng đang chạy Windows và chọn Properties, sau đó bỏ tích ô Allow files on this drive to have contents indexed in addition to file properties và nhấn OK.
Có một bảng khác hiên ra bạn tích vào ô như hình dưới rồi nhấn OK.
Việc của bạn bây giờ là chờ đợi.
Vô hiệu hoá dịch vụ Runtime Broker
Đây cũng là một trong số các nguyên nhân làm cho máy tính của bạn bị Full Disk. Mặc định thì bạn không thể Disabled dịch vụ này trong services được nên mình sẽ cần phải thực hiện trong registry.
Bạn vào Run và gõ regegit rồi tìm đến đường dẫn sau:
HKEY_LOCAL_MACHINE -> SYSTEM -> CurrentControlSet -> Services -> TimeBroker
Bạn nhìn sang bên phải sẽ thấy chữ Start. Nhấp đúp vào đó và thay đổi giá trị 3 thành 4 để vô hiệu hoá dịch vụ này đi.
Trong đó, 4 là Disabled, 3 là Manual và 2 là Automatic.
Thay đổi giá trị EnablePrefetcher và EnableSuperfetch trong Registry
Prefetch và Superfetch là một tiện ích giúp cải thiện hiệu suất khởi động Windows và các ứng dụng bằng cách tải ứng dụng dữ liệu vào bộ nhớ trước khi nó được yêu cầu sử dụng. Bạn có thể hiểu đơn giản hơn là nó sẽ tạo bộ nhớ đệm cho những lần truy cập sau và sẽ làm cho việc khởi động ứng dụng nhanh hơn.
Các chỉ số có ý nghĩa như sau:
- 0 = Vô hiệu hoá cache.
- 1 = Chỉ cache ứng dụng.
- 2 = Chỉ cache tập tin boot.
- 3 = Cache ứng dụng và tập tin boot.
Tuy nhiên, như bạn thấy thường thì khi Restart lại thì máy khởi động chậm hơn là lúc bạn Shutdown rồi mở lên đúng không? Đó là lý do bạn nên thay đổi chỉ số này.
Bạn truy cập vào đường dẫn:
HKEY_LOCAL_MACHINE -> SYSTEM -> CurrentControlSet -> Control -> Session Manager -> Memory Management -> PrefetchParameters
Sau đó thay đổi giá trị EnablePrefetcher và EnableSuperfetch từ 3 thành 1.
Disabled các dịch vụ ngốn tài nguyên
Bạn vào Run và gõ services.msc sau đó tìm đến các dịch vụ sau rồi Stop và Disabled chúng đi. Một số dịch vụ bạn nên tắt: Background Intelligent Transfer Services, Windows Search, Superfetch.
Set cứng RAM ảo thay vì để chế độ tự động
Chế độ set RAM ảo sẽ được thiết lập tự động sau khi bạn cài đặt Windows. Thay vì để chế độ tự động, bạn hãy set cứng RAM ảo như sau.
Bạn vào Run và gõ đoạn sau và Enter:
%windir%\system32\SystemPropertiesPerformance.exe
Sẽ có một popup Performance Options hiện ra, bạn tab qua Advanced và nhấn vào Change…
Một cửa sổ khác hiện ra, bạn tích vào ô Custom size và set như sau:
- Initial size (MB): Gấp 1.5 dung lượng RAM thật của bạn.
- Maximum size (MB): Gấp 3 dung lượng RAM thật của bạn.
Lưu ý: Các bạn lấy 1024 x RAM của bạn để biết dung lượng thật. Ví dụ: RAM của mình là 4Gb thì 1024 x 4 = 4096, tiếp tục lấy 4096 x 1.5 = 6144.
Xử lý sự cố với Troubleshooting
Bạn truy cập vào Run và gõ control rồi enter (hoặc vào control pannel) và nhấn vào Find and fix problems.
Tiếp đến bạn nhấn vào Run maintenance tasks.
Nhấn Next để tiếp tục bước tiếp theo.
Nhấn vào Try troubleshooting as an administrator.
Chương trình sẽ tự động tìm kiếm và sửa lỗi. Bạn chờ cho đến khi quá trình troubleshooting hoàn tất.
Tắt Maintenance
Bạn vào Run gõ wscui.cpl
Tại Maintenance bạn nhấn vào Settings.
Sau đó bạn tích vào ô Never check for solutions (Not recommended) và nhấn OK.
Vô hiệu hoá Windows SmartScreen
Bạn vào Run gõ wscui.cpl
Sau đó nhấn vào Change Windows SmartScreen Settings.
Một cửa sổ khác hiện ra bạn tích vào Don’t do anything (Turn off Windows SmartScreen) và nhấn OK.
Tắt Disk Diagnostics: Configure execution level
Bạn vào Run và gõ gpedit.msc sau đó truy cập đến đường dẫn:
Computer Configuration -> Adminnistrative Templates -> System -> Troubleshooting and Diagnostics -> Disk Diagnostics
Bạn nhìn sang bên trái sẽ thấy Disk Diagnostics: Configure execution level, hãy nhấp đúp vào đó.
Một cửa sổ khác hiện ra bạn tích vào Disabled và nhấn OK.
Thường xuyên chống phân mảnh ổ cứng
Trên Windows 8/8.1/10 có tính năng Optimize giúp bạn chống phân mảnh ổ cứng mà không cần dùng đến phần mềm. Bạn cũng nên thường xuyên sử dụng tính năng này để hạn chế Full Disk.
Truy cập vào This PC (hoặc nhấn phím tắt Windows + E) nhấn vào phân vùng ổ cứng bạn muốn chống phân mảnh sau đó nhấn vào Manage rồi Optimize.
Một cửa sổ khác hiện ra, bạn nhấn vào phân vùng đang cài đặt Windows và nhấn vào Optimize sau đó chờ đợi quá trình chống phân mảnh diễn ra.
Thường xuyên quét rác và sửa lỗi Registry
Một phần mềm rất có công dụng trong việc này đó là CCleaner. Phần mềm này có rất nhiều phiên bản khác nhau, tuy nhiên bạn sử dụng bản Free thôi cũng đủ để quét rác và sửa lỗi Registry rồi.
Như vậy bài viết trên mình đã chia sẻ đến bạn 12 cách khắc phục lỗi Full Disk trên các phiên bản hệ điều hành Windows 8/8.1/10 rồi đó. Sau khi thực hiện 12 cách này mình đã khắc phục được Full Disk trên Windows 10 rồi đó, còn bạn thì sao? Chúc bạn thành công!